Ngày 13 tháng 02 năm 2025, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Trần Tuấn A, sinh năm 1999, thường trú tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về tội “Giết người” quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, nội dung vụ án như sau:
Khoảng 21 giờ 20 phút ngày 27/01/2023, tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, anh Phạm Ngọc Q và ông Trần Văn H (cha của Trần Tuấn A) có nói chuyện cự cãi dẫn đến xô xát, Trần Tuấn A thấy vậy đã sử dụng một con dao đâm trúng vào vùng nách sau phải và bàn tay phải của anh Phạm Ngọc Q gây thấu ngực bụng, gãy xương sườn số 9 bên phải, thủng gan, đứt tĩnh mạch gan giữa, rách màng ngoài tim, thủng cơ hoành, tràn máu màng phổi, tràn máu ổ bụng với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 75%. Việc Tuấn A dùng dao là hung khí nguy hiểm tấn công có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của anh Q. Việc anh Q không chết là do được cấp cứu kịp thời và ngoài ý thức chủ quan của bị can. Do đó hành vi của Trần Tuấn A đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn trước đó, chỉ vì bị cáo phát hiện bị hại và bố ruột của mình đang đánh nhau, thay vì can ngăn, bị cáo đã đi tìm hung khí để tấn công nhằm tước đoạt mạng sống của bị hại, việc bị hại không chết nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo. Do đó, hành vi của các bị cáo không chỉ xâm phạm đến tính mạng của người khác một cách trái pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang cho người dân sinh sống tại khu vực.
Về nhận thức, bị cáo là công dân trưởng thành, có đầy đủ năng lực để nhận thực pháp luật nên biết rõ hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại (đây là vùng trọng yếu trên cơ thể gần tim, phổi) là hành vi trái pháp luật, có thể tước đoạt mạng sống của bị hại nhưng các bị cáo vẫn cố ý thực hiện tội phạm. Với tính chất mức độ và hành vi phạm tội nêu trên, cần thiết phải đưa bị cáo ra trước pháp luật để xét xử áp dụng một mức án nghiêm đối với bị cáo để cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục, đồng thời mang tính răn đe và phòng ngừa tội phạm chung.
Tuy nhiên, xem xét trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ thái độ ăn năn hối cải, bị cáo đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại, đồng thời bị hại cũng có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm b, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự nên cần xem xét áp dụng để giảm nhẹ phần nào mức hình phạt cho các bị cáo nhằm tạo điều kiện để các bị cáo sửa chữa lỗi lầm, phấn đấu trở thành người tốt, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật nhà nước ta.

Hình ảnh tại phiên tòa
Hình ảnh tại phiên tòa
Hội đồng xét xử chấp nhận những nhận định của Viện kiểm sát và xử phạt bị cáo Trần Tuấn A 07 năm tù quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Hình phạt của Tòa án là hoàn toàn phù hợp với hành vi mang tính chất côn đồ, coi thường pháp luật của bị cáo. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ bị cáo đã có hành vi côn đồ nhằm tước đi tính mạng của bị hại. Qua vụ án này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của mọi người dân, từ đó giúp giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật nói chung và những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng như trên.
Hoàng Mai Ly – Phòng 2, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai.